QUẢN TRỊ VĂN PHÒNG – NGHỀ CỦA NHỮNG NGƯỜI NĂNG ĐỘNG VÀ CHUYÊN NGHIỆP
QUẢN TRỊ VĂN PHÒNG – NGHỀ CỦA NHỮNG NGƯỜI NĂNG ĐỘNG VÀ CHUYÊN NGHIỆP
Trong một cuộc trao đổi về chuyên môn, PGS.TS Vũ Thị Phụng chia sẻ Quản trị văn phòng“Là ngành học dành cho những người năng động và chuyên nghiệp, vì để trở thành một nhà Quản trị văn phòng giỏi, bạn cần có đầu óc tổ chức và quản lý, khả năng tương tác và giao tiếp tốt, có khát vọng trở thành những “key person” đóng góp vào sự thành công trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp”.
Trên thực tế, đây không phải là ngành học mới, nhưng nhu cầu nhân lực về ngành, nghề QTVP trên thị trường lao động ngày càng tăng cao. Vì văn phòng là khu vực hoặc bộ phận hiện hữu trong tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, nên vấn đề QTVP – được hiểu là việc tổ chức, điều hành hoạt động của toàn bộ khu vực hoặc bộ phận văn phòng sao cho hiệu quả – là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả những người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp.
Đối với các cơ quan, doanh nghiệp nước ngoài, từ lâu QTVP đã được coi là một ngành khoa học mang tính liên ngành và được đặc biệt coi trọng, áp dụng phổ biến trong lĩnh vực quản lý hành chính, quản trị kinh doanh. Việc đào tạo nguồn nhân lực về QTVP (gồm nhân lực quản lý, phụ trách và nhân viên làm việc trong các văn phòng) vì thế, trở thành một nhu cầu tất yếu.
Mặc dù được triển khai đào tạo từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng đến nay QTVP vẫn còn là một ngành học mới, nên số lượng sinh viên ra trường chưa đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở Việt Nam số sinh viên được đào tạo ngành QTVP mới chỉ dừng ở con số vài trăm cử nhân /1 năm. Trong khi đó, Văn phòng của hàng ngàn cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là Văn phòng của khoảng 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và thường xuyên có nhu cầu tuyển dụng nhân lực về QTVP. Như vậy có thể nói, nhu cầu và cơ hội việc làm của ngành học này đã và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Trong suy nghĩ của nhiều người trước đây, VP là nghề “bàn giấy”, nhưng hiện nay đây lại là nghề dành cho những người năng động và chuyên nghiệp. Trước đây từ “bàn giấy” được dùng để chỉ nghề nghiệp của những người làm ở bộ phận gián tiếp, công việc có phần thụ động và buồn tẻ. Ngày nay, Văn phòng là nơi bộ máy lãnh đạo bàn thảo và ban hành các quyết định quản lý, là trụ sở liên lạc và giao dịch chính thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với các cơ quan, đối tác bên ngoài. Văn phòng là nơi thu thập và xử lý thông tin, là nơi tổ chức và theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện các quyết định quản lý đã được ban hành. Có thể nói, Văn phòng là bộ phận tham mưu đắc lực cho các cấp lãnh đạo và quản lý trong việc tổ chức, điều hành hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp. Chính vì thế, để đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển, người làm trong lĩnh vực QTVP phải là những người có tư duy và phương pháp tổ chức, quản lý; năng động và sáng tạo; có tính chuyên nghiệp; thành thục kỹ năng hành chính; tiếp cận với công nghệ hiện đại và có khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh thì mới có thể hoàn thành tốt công việc.