Hoạt động chuyên môn

Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam 2022 (VOBF) – Tín hiệu phục hồi – Tăng trưởng đột phá

Theo báo cáo Toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử nửa đầu năm 2022 được trích xuất từ nền tảng số liệu của Metric.vn, trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam thời kỳ hậu đại dịch Covid-19 đang trên đà phát triển vượt bậc thì Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia.. Quý 1-2022, Việt Nam có hơn 8 triệu người tiêu dùng trực tuyến mới, với hơn 55% trong số đó đến từ các khu vực phi thành thị. Tỷ lệ người tiêu dùng thương mại điện tử có xu hướng tăng cao với 97% người tiêu dùng vẫn đang sử dụng dịch vụ và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai. Trong đó, một số ngành hàng làm đẹp, thời trang nữ, gia dụng là những sản phẩm được quan tâm, mua sắm nhiều nhất trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki và Sendo…

Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum – VOBF 2022) là sự kiện quy mô toàn quốc, quy tụ cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước. Đây là lần thứ 6, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum – VOBF 2022) được tổ chức tại Việt Nam thu hút sự quan tâm của cộng đồng kinh doanh trực tuyến… VOBF là cơ hội để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trao đổi về những cơ hội và thách thức của lĩnh vực thương mại điện tử trong năm tới. Các chủ đề nóng tác động trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp như cạnh tranh, hành lang pháp lý, sự chuyển mình của công nghiệp 4.0… thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng. Đặc biệt diễn đàn năm nay đã điều chỉnh thêm các chủ đề hấp dẫn giúp doanh nghiệp có những chiến lược phù hợp để khắc phục hậu quả sau đại dịch COVID-19 vừa qua. Mục tiêu của diễn đàn là: Thu hút sự tham gia trực tiếp của 1600+ đại biểu tại sự kiện Offline ở Hà Nội và  Tp.HCM, hơn 10.000 lượt xem online được phát trên Fanpage và hàng triệu người biết tới sự kiện trên môi trường trực tuyến. Đại biểu tham dự trao đổi về thông tin, xu hướng và giải pháp trong nhiều lĩnh vực liên quan tới thương mại điện tử như tiếp thị, chuyển phát, thanh toán, công nghệ, khởi nghiệp, đầu tư nước ngoài…Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh định hướng kinh doanh trực tuyến trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Thúc đẩy hợp tác kinh doanh giữa hai bên hoặc nhiều bên. Đối tượng tham gia là: Cơ quan Nhà nước, Hiệp hội, doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT: tiếp thị, thanh toán, chuyển phát; Truyền thông (Báo chí, truyền hình…). Doanh nghiệp tham gia chương trình ở các lĩnh vực sản xuất, omni-channel, online travel, start-up, thương mại điện tử…

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, đón đầu xu hướng thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế sau đại dịch, nhất là những lĩnh vực chuyển đổi số, kinh doanh onilne, blockchain… nên diễn dàn tập trung các chủ đề như tín hiệu phục hồi toàn cầu, kết nối toàn cầu trở lại, lực đẩy và công nghệ tương lai của thương mại điện tử.… Bên cạnh đó, tại diễn đàn sẽ đề cập đến các chủ đề nóng tác động trực tiếp tới nhiều doanh nghiệp như cạnh tranh, hành lang pháp lý, sự chuyển mình của công nghiệp 4.0… Đặc biệt diễn đàn năm nay đã điều chỉnh thêm các chủ đề hấp dẫn giúp doanh nghiệp có những chiến lược phù hợp để khắc phục hậu quả sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, trong phiên 3 của Diễn đàm có thảo luận về phát triển nguồn nhân lực TMĐT có đưa ra nhận định rằng: Nhu cầu nhân lực lĩnh vực TMĐT ngày càng thu hút các bạn trẻ theo học bởi cơ hội việc làm khá rộng mở với mức lương hấp dẫn cùng môi trường làm việc luôn mới mẻ và năng động. Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT có việc làm được ghi nhận tại một số trường Đại học, Cao đẳng đạt tới trên 90%. Hình thức đào tạo TMĐT hiện nay chủ yếu theo đơn đặt hàng chiếm 37%; đào tạo ngắn hạn tập trung 33%, đào tạo chính quy dài hạn chiếm 16%, đào tạo trực tuyến chiếm 9%. Khảo sát từ các công ty cung cấp giải pháp TMĐT thì nguồn nhân lực TMĐT còn đang thiếu hụt, có dưới 30% nhân lực được đào tạo chính quy TMĐT, 55% đào tạo từ các ngành kinh doanh, thương mại, công nghệ thông tin, còn lại là các ngành nghề khác. Những con số trên phản ánh công tác đào tạo chính quy nguồn nhân lực TMĐT hiện nay mới chỉ đáp ứng phần nào nhu cầu thực tế.

Nhằm cập nhật kiến thức và nắm bắt kịp thời xu thế TMĐT Thầy cô Khoa Hệ thống thông tin Kinh tế trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông đã vinh dự được tham gia Diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2022 (Vietnam Online Business Forum). Là một trong những trường ĐH đầu tiên đào tạo ngành TMĐT của các tỉnh phía Bắc.  Trong Diễn đàn Tiến sĩ Vũ Xuân Nam – Trưởng Khoa HTTT Kinh tế, trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Thái Nguyên đã đưa ra những thông tin liên quan đến phát triển nguồn nhân lực Thương mại điện tử của Thái Nguyên nói riêng và Khu vực Trung du miền núi phía Bắc nói chung; bên cạnh đó, cũng đánh giá những cơ hội và thách thức để mở ra hoạt động liên kết giữa Nhà trường và Doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực TMĐT. Từ đó thu hút được sự chú ý của các Doanh nghiệp TMDT trên cả nước đến sinh viên ngành TMĐT tại trường ĐH CNTT&TT, Đại học Thái Nguyên; mở ra cơ hội việc làm cho sinh viên ngành TMĐT và ngành Kinh tế số.

Một số hình ảnh tại Diễn đàn:

 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát biểu tại diễn đàn

Các đại biểu tham dự diễn đàn

Bài phát biểu của bà Lê Hoàng Uyên Vy – Giám độc điều hành Do Ventures; Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT

Các diễn giả tham gia phiên tọa đàm 3

Tiến sỹ Vũ Xuân Nam phát biểu liên quan đến phát triển nguồn nhân lực TMĐT tại Trung du miền núi phía Bắc

Ông Nguyễn Ngọc Dũng trao bảng kỷ niệm cho các diễn giả tại phiên 3

Trao giải cho các Giải pháp và Doanh nghiệp Đạt giải Best Solution Awards 2021

Chia sẻ: