GIỚI THIỆU PHÒNG THỰC HÀNH
GIỚI THIỆU PHÒNG THỰC HÀNH
Khoa Kinh tế và Quản trị – Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông – Đại học Thái Nguyên
Mô hình học tập trải nghiệm thông qua phòng Thực hành đang được áp dụng tại nhiều tổ chức giáo dục trên thế giới và ngay tại các trường đại học của Việt Nam. Vậy chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc, mô hình học tập này có điểm gì đặc biệt và đối với Khoa Kinh tế và Quản trị – Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông – Đại học Thái Nguyên, Phòng Thực hành trải nghiệm đang được vận dụng như thế nào trong các tiết học? Bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.
- Lý do ra đời Phòng thực hành của Khoa Kinh tế và Quản trị?
Đào tạo gắn liền với yêu cầu thực tiễn là yêu cầu tất yếu đối với các trường đại học, nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, hoạt động thực tập, thực hành trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên. Tuy nhiên, nếu chỉ đóng khung trong các đợt thực tập, sinh viên sẽ có ít thời gian được trải nghiệm, mà thêm vào đó, đối với các môn học chuyên ngành, được trải nghiệm thêm thực tế thông qua mô hình giả lập thực tế thật sự mang lại hiệu quả đào tạo cao.
Nhằm mang lại một môi trường học tập tối ưu, giúp sinh viên không chỉ nắm bắt được lý thuyết một cách sâu sắc, triệt để, mà còn có năng lực thực tiễn và kỹ năng mềm để có thể đáp ứng được đầy đủ nhu cầu và đòi hỏi của thị trường lao động, Khoa Kinh tế và Quản trị – Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông – Đại học Thái Nguyên đã ấp ủ và hiện thực hoá ý tưởng bằng sự ra đời của Phòng Thực hành. Thông qua mô hình này, người học sẽ được tham gia vào những trải nghiệm thực tế, kết hợp với lý thuyết học trên lớp, từ đó trực tiếp thu được những kinh nghiệm từ những hoạt động trải nghiệm trong những hoàn cảnh cụ thể.
- Đặc trưng Phòng thực hành của Khoa Kinh tế và Quản trị?
2.1. Thiết kế Phòng thực hành
Phòng Thực hành là một không gian được thiết kế để mô phỏng hoạt động của một văn phòng hay không gian làm việc theo cơ cấu tổ chức của một cơ quan nhà nước hay công ty, doanh nghiệp thu nhỏ. Phòng Thực hành được thiết kế đa dạng hoá các mô hình quản trị khác nhau. Tuỳ thuộc đơn vị được giả lập là loại hình doanh nghiệp nào, cơ quan nào mà các phòng ban được bố trí sắp xếp tương ứng.
SƠ ĐỒ PHÒNG THỰC HÀNH
Tại đây, người học có thể đóng vai thông qua các vị trí làm việc trong một cơ quan, tổ chức, như: lãnh đạo, nhân viên phòng sản xuất, nhân viên phòng kinh doanh, nhân viên phòng kế toán, nhân viên phòng văn thư… Đối với hoạt động này, giáo viên sẽ là người định hướng, hỗ trợ và tổ chức các tình huống giả định, còn người học sẽ được trải nghiệm thực tế thông qua việc thực hành trong môi trường thật, thay đổi không gian từ lớp học sang phòng Thực hành, không chỉ tạo sự hứng thú, tập trung qua từng tiết học mà còn giúp sinh viên hiểu sâu, đánh giá vấn đề một cách thực tế, đa chiều từ đó dễ dàng tiếp nhận kiến thức một cách sáng tạo, chủ động.
Với các vị trí như Ban lãnh đạo, văn thư, phòng chuyên môn, phòng họp, khu vực tiếp khách, khu vực in ấn tài liệu, phòng Thực hành được bố trí thành các ô độc lập chia tách bởi vách ngăn di động, các vách ngăn này dễ dàng có thể di chuyển để sắp xếp lại các vị trí công việc trong phòng phù hợp với nhu cầu thực tế, cung cấp một không gian linh hoạt để các thầy cô giáo và các em sinh viên có thể tận dụng để làm việc nhóm hay thiết kế các buổi họp chuyên nghiệp. Và thông qua việc bố trí thành các khu riêng biệt, có treo biển rõ ràng sẽ giúp sinh viên nhìn thấy được luồng công việc, hiểu được cách giao tiếp, quy trình trao đổi, xử lý thông tin giữa các bộ phận. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các môn học chuyên ngành.
Buổi họp chuyên môn của các thầy cô giáo Khoa Kinh tế và Quản trị tại sảnh chung của Phòng Thực hành
Sử dụng sảnh chung để tổ chức các cuộc họp hoặc thảo luận nhóm
Phòng Thực hành được thiết kế với nội thất văn phòng hiện đại; bố trí các khu làm việc, khu đặt máy móc văn phòng dùng chung, khu tiếp khách,… sáng tạo, độc đáo. Tại các bàn làm việc, việc chia sẻ các thiết bị văn phòng như máy in, các nguồn điện, ổ cắm mạng, điện thoại… được thiết kế một cách dễ dàng, tiện lợi, gọn gàng, ngăn nắp, tận dụng được tối đa diện tích văn phòng. Phòng cũng được bố trí cây cảnh giúp cho không gian văn phòng trở nên hài hoà hơn, mang lại bầu không khí xanh mát và trong lành. Khu làm việc chung với ánh sáng nhân tạo kết hợp với ánh sáng tự nhiên sẽ giúp cho các cá nhân làm việc độc lập có một môi trường làm việc cực kì tuyệt vời, thuận tiện cho việc chia sẻ, trao đổi công việc.
Khu vực tiếp khách, văn thư và sảnh chung
Phòng chức năng được bố trí biển tên và vách ngăn di động để dễ dàng thay đổi linh hoạt tuỳ tình huống giả định
Sử dụng vách ngăn văn phòng di động
Không gian làm việc thoả sức sáng tạo
2.2. Cơ sở vật chất Phòng thực hành
Phòng Thực hành được trang bị các trang thiết bị văn phòng hữu ích và các phần mềm chuyên dụng để thực hành các môn học chuyên sâu đối với các ngành đào tạo của khoa. Các thiết bị máy móc gồm có: 30 máy tính, 1 máy chiếu, 1 màn chiếu, 1 điều hoà, 1 máy quét, 5 máy in, 1 máy photocopy, 2 điện thoại bàn, 1 máy fax, 1 máy lọc nước. Ngoài ra, nội thất văn phòng còn có bàn ghế làm việc cho người quản lý, bàn ghế làm việc cho nhân viên, bàn ghế phòng họp, bàn ghế tiếp khách, tủ đựng tài liệu, tủ hồ sơ.
Máy photocopy
Khu vực làm việc của lãnh đạo
Tủ đựng hồ sơ, tài liệu
Đối với nhóm văn phòng phẩm, gồm có: Biển chức danh, bút bi, sổ da, giấy in, bàn dập ghim, kẹp trình ký, đục lỗ giấy, Giấy fax, giấy bìa, giấy nhớ, kéo, bìa còng, Dụng cụ đóng dấu vuông, dụng cụ đóng dấu tròn, mực con dấu, sổ công văn đi, đến, giấy giới thiệu, tủ hồ sơ, giá nhựa đựng tài liệu, ổ điện, dụng vụ vệ sinh văn phòng…
Về hệ thống phần mềm, hiện các máy tính trên Phòng Thực hành đều được cài đặt các phần mềm hỗ trợ các môn học thực hành, nổi bật là các phần mềm do công ty TNHH 1C Việt Nam cung cấp như: phần mềm 1C:Company Management, phần mềm 1C:Document Management, phần mềm 1C:HRM & Payroll và phần mềm 1C:AccountingSuite, ngoài ra còn có các phần mềm Misa HRM.NET 2012, phần mềm văn phòng điện tử E-Office, phần mềm CRM, phần mềm sàn giao dịch điện tử.
- Vận dụng Phòng thực hành trong giảng dạy và học tập các môn học chuyên ngành của Khoa Kinh tế và Quản trị
Hiện Khoa Kinh tế và Quản trị là đơn vị trực tiếp phụ trách Chương trình đào tạo bậc Đại học các ngành Thương mại điện tử, Kinh tế số, Quản trị văn phòng và Hệ thống thông tin quản lý. Phòng Thực hành sẽ phục vụ cho hoạt động dạy và học của tất cả các ngành đào tạo của khoa.
* Ngành Thương mại điện tử:
Ngành học thương mại điện tử là sự giao thoa giữa ngành kinh doanh và công nghệ thông tin. Sinh viên ngành Thương mại điện tử sẽ được trang bị kiến thức kỹ năng nhằm phát triển tư duy sáng tạo, định hướng kinh doanh, khởi nghiệp. Bên cạnh đó, người học được đào tạo chuyên môn sâu về: Tiếp thị trực tuyến trên các nền tảng Facebook, Google, Youtube; Quản trị đơn hàng, bán hàng, quản trị doanh nghiệp trên các hệ thống Amazon, Alibaba; Xây dựng, vận hành, triển khai hệ thống và chăm sóc khách hàng, nhà cung cấp.
Để hiện thực hoá những lý thuyết trong giáo trình, đem đến cho sinh viên những cách nhìn khách quan và thực tế nhất về ngành học, Khoa sử dụng phòng Thực hành phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và thực hành cho các học phần như: Mô phỏng hoạt động giao dịch điện tử, sàn giao giao dịch điện tử; Thực hành thiết kế trang thông tin điện tử; Thực hành các nghiệp vụ mua – bán, trao đổi, chuyển giao trực tuyến; Thực hành quản trị, vận hành sàn giao dịch, gian hàng trực tuyến.
Cụ thể, phòng Thực hành cung cấp một số trải nghiệm thực tế cho sinh viên ngành thương mại điện tử, như: Mô hình quản trị doanh nghiệp, Giải pháp MKT số và Sàn thương mại điện tử.
- Đối với mô hình quản trị doanh nghiệp, Phòng Thực hành được trang bị phần mềm 1C:Company Management. Đây là phần mềm mở với các tính năng linh hoạt để tự động hóa công tác quản trị quan hệ khách hàng và quản lý doanh nghiệp ở các mô hình khác nhau, từ đó giúp người học được thực nghiệm giao dịch quản trị doanh nghiệp, quản trị quan hệ khách hàng trên nền tảng 1C….
- Đối với giải pháp Marketing số: (marketingso.net) cho phép người học hiện thức hoá các chiến lược Marketing trên môi trường số, trực tiếp thao tác các chiến dịch Marketing trên các nền tảng số đang được triển khai trong thực tiễn (Tiktok, Facebool, Zalo,…)
- Đối với Sàn thương mại điện tử, người học được trải nghiệm giao dịch thực tế trên các vai trò khác nhau như người mua, chủ cửa hàng và ban quản lý sàn. Đặc biệt sàn thương mại điện tử với địa chỉ https://chodientuknst.online/ do các thầy cô Khoa kinh tế và Quản trị xây dựng có tích hợp các mô hình giao dịch điển hình trong thương mại điện tử như B2C, C2C,… giúp người học có những trải nghiệm thực tế nhất ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong đó, mô hình B2C (Business – To – Customer) được hiểu là các giao dịch thương mại giữa doanh nghiệp với đối tượng khách hàng là những cá nhân qua nền tảng Internet, được thể hiện qua không gian chung. Mô hình C2C (Consumer – To – Consumer) được hiểu là một mô hình kinh doanh, trong đó các cá nhân có thể trực tiếp giao dịch với nhau thông qua các nền tảng trực tuyến hoặc bên thứ ba như các trang mạng xã hội hoặc trang web đấu giá trung gian, được thể hiện qua không gian đi chợ hàng ngày.
Mô hình B2C (Business – To – Customer) trên Chợ Online tại địa chỉ https://chodientuknst.online/
Mô hình C2C (Consumer – To – Consumer) trên Chợ Online tại địa chỉ https://chodientuknst.online/
* Ngành Kinh tế số:
Khoa Kinh tế và Quản trị hiện đang đào tạo cử nhân ngành Kinh tế số với chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh số, cung cấp kiến thức cơ bản về dữ liệu lớn, công nghệ thông tin, hệ thống thông tin và quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp trong thời đại số.
Hiện phòng Thực hành đã và đang cung cấp một số phần mềm chuyên dụng để phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và thực hành cho các học phần của chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh số. Có thể kể đến như: Quản trị kinh doanh số, Quản trị nguồn nhân lực, Nguyên lý kế toán và Kế toán máy.
Cụ thể, phòng Thực hành cung cấp một số phần mềm chuyên dụng hỗ trợ cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh số học tập, như:
- Phần mềm 1C:Company: là phần mềm quản trị tổng thể doanh nghiệp sản xuất với các tính năng linh hoạt để tự động hóa công tác quản trị doanh nghiệp ở các mô hình khác nhau, được áp dụng trong môn Quản trị kinh doanh số
- Phần mềm 1C:HRM & Payroll: là phần mềm Quản trị nhân sự với các tính năng như: Định biên nhân sự, quản lý tuyển dụng, quản lý thông tin nhân sự, quản lý đào tạo, quản lý chấm công, tính lương, thưởng – phụ cấp, thuế – bảo hiểm… được sử dụng trong môn Quản trị nguồn nhân lực.
- Phần mềm 1C:Accouting: là phần mềm kế toán tài chính đa năng, ứng dụng cho công tác tự động hóa kế toán. Với đầy đủ toàn bộ chức năng kế toán: Kế toán hàng tồn kho, Kế toán bán hàng & mua hàng, Kế toán tiền mặt & tiền gửi, Kế Toán Tài Sản, Kế Toán Tiền Lương…đáp ứng thực hành cho môn Nguyên lý kế toán và Kế toán máy
* Ngành Quản trị văn phòng:
Quản trị Văn phòng (Office Administration) là ngành học cung cấp những kiến thức, kỹ năng liên quan đến nghiệp vụ trong công tác văn thư, lưu trữ, quản trị hành chính, văn phòng và có kiến thức chuyên sâu về ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông trong việc tin học hóa công tác văn thư, lưu trữ và quản trị hành chính, văn phòng.
Đối với ngành Quản trị văn phòng, Khoa sử dụng phòng thực hành phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và thực hành cho các học phần như: Thực hành soạn thảo văn bản, quản lý văn bản, ký số văn bản; Thực hành sắp xếp, tổ chức khoa học trang thiết bị văn phòng; thiết kế văn phòng; Thực hành bố trí, tổ chức hội họp; Thực hành sử sụng các trang thiết bị văn phòng; Thực hành xử lý nghiệp vụ thư ký, nghiệp vụ lễ tân; Thực hành lập hồ sơ và quản lý hồ sơ.
Cụ thể, phòng Thực hành cung cấp một số phần mềm chuyên dụng hỗ trợ cho sinh viên ngành Quản trị văn phòng học tập, như:
- Phần mềm 1C:Document Management: đây phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành công việc với các tính năng như: Quản lý văn bản đến – đi, Quản lý văn bản nội bộ, Quản lý hợp đồng, Số hóa hồ sơ tài liệu, Giao việc, Thực hiện công việc, Phê duyệt đề xuất, tờ trình, Kiểm soát thời hạn, kỷ luật thực hiện, Ghi nhận thời gian làm việc, Quản lý tài sản, dự án, Cuộc họp và sự kiện, Đặt phòng họp, đặt xe, Quản lý vắng mặt, Thống kê nhiều dạng báo cáo… hỗ trợ cho các môn học như: Quản lý văn bản đi đến điện tử, Nhập môn quản trị văn phòng, Quản trị kế hoạch công việc, Nghiệp vụ thư ký, Nghiệp vụ lễ tân và tổ chức hội họp, Tổ chức lập hồ sơ và quản lý hồ sơ điện tử.
- Phần mềm 1C:HRM & Payroll: là phần mềm Quản trị nhân sự với các tính năng như: Định biên nhân sự, quản lý tuyển dụng, quản lý thông tin nhân sự, quản lý đào tạo, quản lý chấm công…
- Bên cạnh đó, khai thác tối ưu các cơ sở vật chất hiện có của phòng Thực hành để thực hành các nghiệp vụ hành chính văn phòng, lưu trữ điện tử, tổ chức khai thác và sử sụng tài liệu lưu trữ,…..
Bên cạnh đó, phòng Thực hành cũng cấp đầy đủ các vật dụng văn phòng phẩm cần thiết cho hoạt động của một cơ quan thu nhỏ, do vậy, sinh viên ngành Quản trị văn phòng sẽ được trải nghiệm thực tế vô cùng sinh động. Ví dụ khi đóng vai vị trí lãnh đạo cơ quan, người học có thể thực hành ký số trên văn bản điện tử và chuyển giao cho văn thư để ký số cơ quan; khi đóng vai vị trí nhân viên văn thư, người học được sử dụng các văn phòng phẩm chuyên dụng như: Dụng cụ đóng dấu vuông, dụng cụ đóng dấu tròn, mực con dấu, sổ công văn đi, đến, giấy giới thiệu, tủ hồ sơ … Từ đó, sinh viên có thể vận dụng lý thuyết được học và thực hành đóng dấu trên các văn bản, thực hành đăng ký văn bản đi – đến trên Sổ công văn đi – đến, hay sắp xếp tài liệu vào từng kẹp hồ sơ và biên mục cho chúng.
* Ngành Hệ thống thông tin quản lý
Ngành Hệ thống thông tin quản lý (Management Information Systems – MIS) là ngành học kết hợp giữa kiến thức quản lý kinh doanh và công nghệ thông tin. Cụ thể, ngành học này đào tạo sinh viên về các kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc thiết kế, phát triển, vận hành và quản lý các hệ thống thông tin trong doanh nghiệp.
Hiện Khoa Kinh tế và Quản trị đang đào tạo ngành Hệ thống thông tin quản lý với chương trình đào tạo Quản lý Logistics và chuỗi cung ứng. Quản lý logistics và chuỗi cung ứng là ngành học cung cấp kiến thức chuyên sâu về quản lý logistics và chuỗi cung ứng; giúp sinh viên có năng lực phân tích các nghiệp vụ; tổ chức và vận hành hệ thống quản lý logistics và chuỗi cung ứng ở các doanh nghiệp; có năng lực làm việc trong môi trường hội nhập, đa văn hóa và có tính cạnh tranh cao.
Đối với ngành Hệ thống thông tin quản lý, Khoa sử dụng phòng thực hành phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học, giảng dạy và thực hành cho các học phần như: Thực hành nghiệp vụ kế toán, hạch toán; Thực hành nghiệp vụ phân tích xử lý dữ liệu; Thực hành quản trị doanh nghiệp điện tử; Thực hành quản trị quan hệ khách hàng; Thực hành hệ thống quản lý chuỗi cung ứng; Thực hành nghiệp vụ quản trị nhân lực.v.v…
Cụ thể, phòng Thực hành cung cấp một số phần mềm chuyên dụng hỗ trợ cho sinh viên ngành Hệ thống thông tin quản lý học tập, như:
- Phần mềm 1C:Company là phần mềm quản trị tổng thể doanh nghiệp sản xuất với các tính năng linh hoạt để tự động hóa công tác quản trị doanh nghiệp ở các mô hình khác nhau, được áp dụng trong môn Quản trị kinh doanh số
- Phần mềm 1C:HRM & Payroll: là phần mềm Quản trị nhân sự với các tính năng như: Định biên nhân sự, quản lý tuyển dụng, quản lý thông tin nhân sự, quản lý đào tạo, quản lý chấm công… được áp dụng trong môn Quản trị nguồn nhân lực
- Phần mềm 1C:AccountingSuite là phần mềm kế toán tài chính đa năng, ứng dụng cho công tác tự động hóa kế toán quản trị và kế toán thuế
- Bên cạnh đó còn có những hệ thống quản trị, vận hành hoạt động logistics đang được sử dụng tại các doanh nghiệp logistics được trang bị tại phòng Thực hành,…
Có thể thấy, Phòng thực hành của Khoa Kinh tế và Quản trị là một mô hình học tập trải nghiệm mới lạ, hiện đại, sáng tạo, hiệu quả đem lại nhiều lợi ích cho cả thầy cô và sinh viên Khoa Kinh tế và Quản trị.